Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt – Bác sĩ Răng Hàm Mặt – Khoa khám bệnh và Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh lý tủy răng là tình trạng khá phổ biến hiện nay, trong đó các triệu chứng đau răng và mất răng ở người trẻ tuổi thường là do viêm tủy răng. Hiểu rõ về bệnh lý tủy răng sẽ giúp điều trị hiệu quả và phòng ngừa những nguy cơ ảnh hưởng đến tủy răng.
1. Nguyên nhân gây bệnh tủy răng
Tủy răng là các mô liên kết bao gồm mạch máu tận cùng, bạch mạch và thần kinh, có vai trò dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng. Tủy buồng và hệ thống ống tủy nằm trong khoang hốc tủy, được bao bọc xung quanh bởi lớp mô ngà cứng của răng, trong khi đó lỗ chóp chân răng nằm ngoài giới hạn này. Bởi vì đặc điểm riêng biệt của cấu trúc giải phẫu tủy răng, cho nên khi tủy bị viêm sẽ dễ xuất hiện sung huyết đè nén, gây đau nhức và thậm chí là hoại tử tủy.
Bạn đang đọc: Các bệnh lý thường gặp ở tủy răng
Bệnh lý tủy răng là một tình trạng khá thường gặp, thông thường là viêm các thành phần mô học tủy răng bắt nguồn từ biến chứng của sâu răng. Sâu răng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, vi khuẩn tồn tại trong miệng lâu ngày sẽ xâm nhập vào răng bị hở tuỷ qua các lỗ sâu và gây bệnh.
Ngoài ra, một số yếu tố tác nhân gây bệnh lý tuỷ răng thường gặp khác là:
- Vi khuẩn gây viêm tủy, viêm quanh răng;
- Hóa chất như nhiễm độc thủy ngân, nhiễm độc chì;
- Sang chấn vật lý làm đứt mạch máu nuôi tủy răng;
- Vỡ hoặc mẻ răng, mòn răng quá nhiều;
- Áp suất môi trường thay đổi đột ngột.
- Do một số điều trị nha khoa sai quy cách như: Mài răng vào hoặc quá sát buồng tuỷ, mài răng không đủ nước sẽ làm nhiệt độ tăng cao gây chết tuỷ.
2. Các bệnh của tủy răng
2.1. Viêm tủy có hồi phục
Viêm tủy có hồi phục là tình trạng viêm nhẹ của mô tủy, hậu quả từ tình trạng sâu răng không được phát hiện và điều trị. Bệnh nhân có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, nếu có thì thường là răng tự nhiên nhạy cảm với các kích thích nóng hoặc lạnh, ăn ngọt hoặc chua, gây cảm giác ê buốt thoáng qua (chỉ kéo dài từ vài giây đến vài chục giây), sau đó hết hẳn khi không còn kích thích.
Xét trên thực tế lâm sàng, các nha sĩ khá hiếm gặp trường hợp bệnh nhân đang bị viêm tủy có hồi phục, vì đây là giai đoạn nhẹ ban đầu và không có chứng. Mặc dù bệnh nhân thường đến khám khi viêm tủy đã tiến triển nặng hơn, tuy nhiên triệu chứng đau nhói do ổ viêm tủy răng vẫn có khả năng hồi phục về trạng thái bình thường nếu được chữa trị tích cực và kịp thời, cũng như loại bỏ triệt để các yếu tố là nguyên nhân gây viêm.
2.2. Viêm tủy không hồi phục
Viêm tủy không hồi phục được chia thành hai thể là đau hoặc không đau. Cơn đau tủy điển hình của viêm tủy không hồi phục thể đau là:
- Cơn đau tự nhiên;
- Đau lan tỏa lên nửa đầu và mặt cùng bên;
- Đau trên một vùng, bệnh nhân thường không xác định được chính xác răng đau;
- Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ hoặc chỉ ngắn vài phút;
- Đau nặng lên khi có kích thích nóng/lạnh hoặc thay đổi tư thế.
Đối với viêm tủy không hồi phục thể không đau, thông qua khám lâm sàng có thể nhìn thấy răng bị hở tuỷ có lỗ sâu hoặc một khối màu đỏ sẫm, có lốm đốm vàng trồi lên khỏi buồng tủy.
2.3. Viêm tủy cấp
Những triệu chứng điển hình của viêm tủy răng cấp bao gồm:
- Cơn đau tự phát kéo dài, thường xảy ra vào ban đêm và nhất là khi bệnh nhân nằm xuống;
- Đau khi bị kích thích do sự thay đổi nhiệt độ, hoặc thức ăn rơi vào lỗ sâu;
- Có thể đau nhói hoặc âm ỉ, khu trú hoặc lan tỏa, đau từng cơn hoặc liên tục.
Sau khi kết thúc cơn đau, người bệnh sẽ sinh hoạt trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu viêm tủy cấp kèm theo có mủ, người bệnh sẽ gặp phải những cơn đau dữ dội hơn, cụ thể:
- Đau giật như mạch đập;
- Có cảm giác gõ trống trong tai;
- Răng đau lung lay nhẹ và mọc nhô lên cao hơn các răng còn lại.
2.4. Viêm tủy mạn tính
Viêm tủy mạn tính phổ biến ở đối tượng trẻ tuổi, được gây ra bởi những kích thích cường độ nhẹ nhưng liên tục, tác động lên trên mô tủy giàu mạch máu.
Đặc điểm cơn đau của viêm tủy mạn tính thường là đau tự nhiên, âm ỉ từng cơn, lê dài hàng giờ và khoảng cách giữa từng cơn đau rất ngắn. Đôi khi bệnh nhân chỉ gặp một cơn đau nhẹ thoáng qua khi nhai, ngoài những không có triệu chứng nào khác .
Nếu thăm khám sẽ phát hiện một nốt đỏ mọc giữa thân răng, khi nha sĩ dùng thám trâm chọc vào răng bị hở tuỷ sẽ khiến bệnh nhân hơi đau nhẹ, tuy nhiên máu sẽ chảy ra nhiều.
2.5. Hoại tử tủy
Thực tế, bệnh nhân bị hoại tử tủy răng sẽ không có triệu chứng đau, đôi khi có trường hợp sau khi đã trải qua thời gian tiền sử đau buốt. Qua thăm khám lâm sàng, có thể nhìn thấy tổn thương tổ chức cứng, cơn đau chỉ xuất hiện khi viêm đã lan rộng tới chân răng.
3. Biến chứng của viêm tủy
Các bệnh lý tủy răng mới khởi phát (ví dụ như: viêm tủy) có khả năng hồi phục nếu chẩn đoán đúng và bảo vệ tủy kịp thời. Ngược lại, tủy chẳng những không thể trở về trạng thái bình thường, mà còn xuất hiện các triệu chứng dai dẳng dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn. Biến chứng nguy hại cho sức khỏe nếu không xử trí triệt để răng hư tủy bao gồm:
- Hoại tử, chết và thối tủy;
- Viêm quanh cuống răng và chóp chân răng;
- Có ổ áp xe quanh chóp răng;
- Viêm hạch, tổ chức liên kết và xương hàm;
- U hạt và nang chân răng;
- Rụng răng, mất răng;
- Những biến chứng ở xa như viêm xoang hàm và nội tâm mạc Osler.
Do đó, người bệnh cần đến nha sĩ ngay để được khám và điều trị khi phát hiện răng có các lỗ sâu lớn, bị sang chấn vật lý hoặc đổi màu bất thường, kèm theo dấu hiệu đau nhức. Các bệnh lý tủy răng nếu không được xử trí kịp thời sẽ diễn tiến dần qua các giai đoạn viêm tủy răng cấp, viêm tủy mãn rồi đến hoại tử. Răng hoại tử chết tủy có thể thoát qua lỗ chóp chân răng hoặc tụ lại ở chân răng gây ra những biến chứng trầm trọng hơn.
Khi gặp các vấn đề về tủy răng kể trên, người bệnh có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Răng – Hàm – Mặt được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Xem thêm: 6 loại bệnh răng miệng thường gặp
Nguồn: Tổng hợp từ Internet
Source: https://alonhakhoa.com
Category: SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG